Những câu hỏi xoay quanh điện mặt trời

Những câu hỏi xoay quanh điện mặt trời

Mình sẽ tổng hợp những thắc mắc của mọi người vào trong bài viết này để tiện giải đáp theo hiểu biết của mình nhé

Gia đình mình xài rất nhiều điện do các thiết bị trong nhà từ bếp từ, tủ lạnh, lò nướng, điều hoà... gần như tháng nào mình cũng đều đặn trả 3-4tr tiền điện. Tính ra thì lượng điện mình đo đạc chủ yếu xài vào ban ngày và tầm chiều tối.

Với xu hướng khí hậu thành phố ngày càng nóng lên, trời càng nắng càng phải xài điều hoà và gần như phải bật cả ngày. Có những tháng nắng cao điểm còn không dám bật nếu còn chịu được mình cũng trăn trở rất nhiều để làm sao nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình. Tuy nhiên khi bắt đầu tìm hiểu điện mặt trời đều bị dội ngược lại vì chi phí đầu tư ban đầu lớn quá, hiệu quả không biết tới đâu, làm sao để chi tiêu một cách hợp lý. Mình chia sẻ lại những suy nghĩ này để anh em nào có những trăn trở tương tự có thể tham khảo nhé.

Nhà xây cũ, điện đi âm tường hết, giờ muốn sử dụng NLMT thì đi dây làm sao?

Để hiểu đi dây như thế nào bạn cần hiểu cơ bản về các linh kiện sẽ cần sử dụng và nguyên lý hoạt động của Inverter

  • Pin mặt trời: Nối thông qua dây DC (dây chuyên dụng) xuống inverter.
  • Inverter: Nối các cặp dây DC từ pin, dây AC đi vào tủ điện, dây giao tiếp metter, dây nối đất, modun WiFi.
  • Metter: 1 dây tín hiệu (tương tự dây LAN) kết nối inveter, cảm biến đo dòng, dây cấp nguồn AC.
  • Pin (nếu dùng hybrid): 2 sợi dây cỡ 6-10 đi từ pin lên inverter

Với các linh kiện trên nó cần được liên kết với nhau khi hoạt động. Bạn cần để ý kích thước dây dẫn để lựa chọn việc lắp đặt cho từng linh kiện sao cho đảm bảo an toàn và chi phí thấp nhất. Có thể dùng các loại dây điện khác để thay thế với chi phí thấp hơn nhưng khó đảm bảo hiệu năng.

Cách tối ưu nhất hiện tại vẫn là lắp đặt toàn bộ cụm linh kiện Inveter, Metter và các CP an toàn cùng một vị trí. Điện mặt trời sẽ đi 2 dây từ trên mái nhà xuống, nếu có nhiều cụm pin thì mỗi cụm đi 2 dây. Loại dây này được thiết kế để chịu thời tiết nên chỉ cần cố định để không bị gió quật đứt là được. Có vỏ nhựa an toàn và dây DC từ pin thì cũng không giật nếu lỡ rò rỉ chuột cắn.

Khi nào thì nên đầu tư Hybrid khi nào thì chỉ dùng OFF-gird?

Theo mình thì quan trọng nhất vẫn là tiền. Một khi đã dùng hybrid thì sẽ gấp đôi chi phí đầu tư ban đầu cho tới chi phí bảo trì bảo dưỡng hoặc thay thế sửa chữa khi gặp vấn đề.

Với hệ OFF-gird (bám tải) người ta sẵn sàng bảo hành linh kiện cho bạn từ 3-5 năm và mạch điện bên trong cũng đơn giản hơn nhiều nên chi phí sửa chữa rẻ, dễ tìm đơn vị sửa khi hết bảo hành. Vì nguyên lý của bám tải đơn giản là inverter kéo điện từ pin phát ra hiệu điện thế lớn hơn điện lưới một chút để các thiết bị trong nhà ưu tiên sử dụng điện mặt trời. Vì thế rất khó để inverter chạy quá công suất dẫn tới hư hỏng linh kiện.

Tuy nhiên với inverter hybrid thì linh kiện phức tạp hơn rất nhiều do cần đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng lúc từ lấy điện từ pin, cân bằng tải, sạc pin, kích điện... Mình không tìm hiểu sâu về kỹ thuật để nói chi tiết nhưng theo mình biết thì nó phức tạp. Chưa nói tới pin lưu trữ sẽ bị suy hao rất nhanh cho dù dùng công nghệ tiên tiến đắt tiền cỡ nào thì qua thời gian vẫn suy hao hoặc bị hư hỏng các cell pin. Mình sẽ có bài viết chi tiết về các loại pin này sau, vì mình cũng không hẳn anti loại hình này, mình vẫn đầu tư một ít phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.

Đang xài OFF-gird (bám tải) muốn gắn thêm pin lưu trữ thì làm sao?

Theo mình biết có 2 phương án phổ biến:

  • Thay inverter từ bám tải qua hybrid hoặc lắp thêm một inverter hybrid công suất nhỏ (trường hợp bạn có nhiều tấm pin)
  • Sử dụng sạc pin, kích điện, pin lưu trữ, ATC để đóng mở dòng điện qua lại tự động. Hoạt động như một hệ thống điện độc lập

Đối với phương án mua thêm hybrid mình sẽ không nói, ở đây mình quan tâm tới trường hợp lưu trữ độc lập vì có vẻ như nó sẽ sử dụng tối đa công suất của hệ bám tải đã lắp đặt và có vẻ như chi phí hợp lý hơn nhiều.

Ngoài mua các linh kiện sạc và kích rời rạc, có phương án khác là mua UPS cũ và chế lại để gắn thêm pin lưu trữ vào. Mình sẽ lựa chọn phương án này vì theo tìm hiểu UPS cũ hoạt động ổn định và bền bỉ hơn các linh kiện kia nhiều mặc dù giá UPS cũ đã khoảng 3tr, mua mấy linh kiện kia cỡ 2tr hơn xíu. Hiện tại mình chưa đầu tư phương án này nên sau khi đã chạy thực tế mình sẽ cập nhật bài viết chia sẻ sau nhé.

Tính toán chọn công suất lắp đặt như thế nào cho phù hợp

Thông thường khi bạn gửi hoá đơn điện cho đơn vị bán thiết bị điện họ sẽ tư vấn luôn cho bạn công suất phù hợp. Theo kinh nghiệm của mình tiền điện sử dụng 2tr/tháng trở lên thì nên đầu tư ít nhất 5kwh. Dưới đấy mới đầu tư hệ 3kwh vì nếu bạn đầu tư ban đầu công suất thấp, sau đó muốn nâng nên còn tốn nhiều tiền hơn, muốn thanh lý inveter cũ cũng khó.

Mưa đá, gió mạnh thì có sợ bể tấm pin hay không?

Theo như nhà sản xuất chia sẻ thì các tấm pin được cố định trên nền các miếng vật liệu cường lực nên rất có để bể, kính chắn gió ô tô vỡ thì nó mới bể được. Tức là với mật độ mưa đá nhỏ thì khó có thể bể, bạn bị con nít ném đá hoặc vật nặng lên pin thì mới bể được vì có cạnh nhọn đâm vào. Tuy nhiên mình cũng không tin lắm, thực tế sờ vào nó khá mong manh nên rớt móp được tôn thì khả năng cũng bể đấy.

Thực tế khu vực mình chưa trải qua trận mưa đá nào nên mình cũng không biết nó có dễ bể không. Năm 2024 có nghe vài lần mưa đá nhưng may mắn mình chưa bị vỡ tấm pin nào. Mấy tấm pin này nếu bị cái gì rạch vào nó mới đứt mạch và nếu đứt nó chỉ bị hư hỏng đúng khu vực đứt đó, các khu vực xung quanh vẫn hoạt động được bình thường. Nếu phát hiện giảm công suất bạn có thể mang tấm pin đến mấy chỗ họ chế lại, dán lại miếng pin bị đứt là xài được, hoặc có điều kiện thì thay mới tấm pin bị vỡ là ổn định nhất.

Chia sẻ thêm một số dữ liệu thực tế mình sử dụng điện mặt trời trong thời gian qua

Những trăn trở thời gian đầu của mình trước khi lắp đặt và sau khi lắp đặt được một thời gian, mình chia sẻ lại như sau.

Tìm hiểu hệ thống điện mặt trời Hybrid | Viết bởi Hồng Thái Sapo

Số giờ đủ tải bình quân trong ngày, giảm được thực tế bao nhiêu số điện?

Thống kê từ inverter cho lượng điện sử dụng vào ban ngày. Sau khi mặt trời lặn inverter cũng sẽ ngừng hoạt động.

Nguyên lý hoạt động của Inverter được hiểu đơn giản là càng sử dụng nhiều điện thì sẽ kéo thêm năng lượng từ pin mặt trời xuống càng nhiều chứ không kéo dư từ ban đầu. Bởi vậy nên khi nhu cầu điện tăng sẽ mất khoảng 1 phút để kéo thêm điện từ pin mặt trời
Biểu đồ một ngày nhiều nắng, bóng râm vừa phải, xài 3 máy lạnh

Trên biểu đồ trên sẽ thấy có những thời điểm gần như không sử dụng diện từ lưới, có những lúc sẽ kéo thêm điện lưới khá nhiều. Nguyên nhân là do mình sử dụng điều hoà invester nên thi thoảng nó ngủ và thức dậy khiến điện sẽ phải bù đột ngột vào trước khi công suất điện mặt trời được bù vào. Sau đó sẽ có một vài phút điện bù vào từ mặt trời bị dư ra và hệ thống sẽ tự điều chỉnh lại để chỉ sản xuất vừa đủ.

💡
Điện mặt trời dư ra nếu đẩy lên lưới điện có thể làm đồng hồ điện lực (loại điện tử) bị quay thêm số và bị tính nhầm thành điện tiêu thụ. Tuy nhiên tỉ lệ rất nhỏ do đã có Metter chặn lại.

Dưới dây là biểu đồ toàn thời gian (tức có thêm lượng điện tiêu thụ buổi tối) để cho thấy tổng lượng điện sử dụng hàng ngày có giảm đi đáng kể hay không.

Như các bạn có thể thấy lượng điện sử dụng ngày cao điểm giảm đi phân nửa, còn ngày thường ít sử dụng ban ngày thì cũng không nhiều lắm. Mình vẫn bật 1 cái điều hoà cả ngày cả đêm. Đây là mùa mưa ở Saigon, mùa nắng chắc chắn lượng điện giảm đi sẽ rất nhiều.

Vấn đề bóng râm, mùa mưa khi sử dụng điện mặt trời

Như mình nói bên trên, năng lượng điện mặt trời rất thiếu ổn định, chỉ một đám mây đi qua cũng có thể làm giảm công suất tương đối đáng kể. Vào mùa mưa không có nắng, tuy nhiên thực tế vẫn có tia UV nên vẫn sản sinh năng lượng điện. Thực tế mình vẫn thu được khoảng 10%-20% công suất. Đủ để xài điều hoà gần như sử dụng rất ít điện lưới, do những ngày này cũng k quá nóng nên điều hoà chạy công suất thấp.

Tóm lại là

Điện mặt trời sẽ rất phù hợp với gia đình xài nhiều, giống như xe điện cũng phù hợp với nhóm người xài nhiều.

Nếu tính toán quá kỹ về tính kinh tế và thời gian thu hồi vốn thì sẽ không cảm thấy phù hợp. Tuy nhiên với bản thân mình thì mình rất ưu tiên chủ động được quản lý năng lượng, giá cả thị trường thay đổi cũng không quá ảnh hưởng tới mình. Nhà mình còn xài oto điện và xe máy điện nên rất phù hợp. Chi phí đầu tư cũng đâu đấy 40tr thì cũng không quá là nhiều, tìm được chỗ nào cho trả góp hoặc thanh toán thẻ tín dụng thì quất thôi ạ.

Có câu hỏi nào các bạn comment ở dưới mình sẽ phản hồi và có bài viết chi tiết sau nhé. Nếu bạn hứng thú với các chủ đề mình viết ở blog này, hãy để lại email để mình gửi thông tin sớm nhất cho bạn khi có bài viết mới.

Bạn đã đăng ký thành công vào Geek Playground
Tuyệt vời! Tiếp theo, hoàn tất thanh toán để có quyền truy cập đầy đủ vào Geek Playground
Chào mừng trở lại! Bạn đã đăng nhập thành công.
Thành công! Tài khoản của bạn đã được kích hoạt đầy đủ, bạn hiện có quyền truy cập vào tất cả nội dung.
Thành công! Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.
Cập nhật thông tin thanh toán không thành công.