Tự lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời (mua vật tư về tự lắp)

Tự lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời (mua vật tư về tự lắp)

Mình tự triển khai từ A-Z hệ thống năng lượng mặt trời nên có một vài chia sẻ để bạn nào muốn tự triển khai có thể tham khảo để chuẩn bị nhé

Đầu tiên cần xác định anh em cần quen với việc sử dụng các thiết bị điện cơ khí như máy khoan, cũng như biết về đấu dây diện dân dụng, có sẵn đồ nghề (hoặc mượn của hàng xóm). Nếu không chuẩn bị được phần dụng cụ hoặc chưa có kinh nghiệm làm mấy cái này thì mình thuê thợ cho khoẻ nhé.

Tổng thời gian triển khai trong khoảng 1 ngày, cần ít nhất 4 người làm để mang các tấm pin lên mái và các hoạt động khác. Nhà ít nhất phải có 2 người đàn ông mới đủ sức thi công nhé, chứ nâng mấy miếng pin lên cũng khá nặng.

Mua vật tư như thế nào

Sau quá trình tìm hiểu và nhận báo giá từ nhiều đơn vị đại lý mình quyết định chọn cấu hình và thiết bị như sau

  • Pin LONGI 450 (12 tấm)
  • Inverter Solis 6kw
  • Các linh kiện khác trong tủ điện DC
💡
Nhớ nhờ bên bán bấm sẵn mấy đầu dây để về cắm vào cho dễ, chứ dây DC nó có đầu bấm riêng, tự bấm bằng kìm khó lắm nhé.

Chuẩn bị dụng cụ để lắp đặt

  • Máy khoan điện (dùng pin thì càng tốt)
    • Dụng cụ bắt vít bắn tôn
    • Vít bắn tôn (inox nếu được)
  • Lục giác (dùng để bắt cố định các loại kẹp vào ray nhôm)
  • Bút thử điện, keo quấn cách ly điện, kìm bấm
  • Bộ vít và nở để bắt ốc lên tường
  • Ống nhựa bọc điện (mua chỗ đồ điện)

Ngoài ra nếu vị trí lắp đặt của anh em cao anh em cần phương án để đem được pin lên mái nhà sao cho an toàn. Nhà mình lắp sẵn cần trục nên chỉ cần buộc và kéo lên từng tấm một mất khoảng 2 tiếng là kéo lên hết 12 tấm.

Định vị khay nhôm trên mái tôn

Căn khoảng cách như thế nào?

Kết cấu của pin cho phép lắp dọc hay ngang đều được vì vậy bạn cần xác định kích thước tấm pin và tiến hành cố định các ray nhôm sao cho nằm gọn trong khu vực đặt tấm pin lên. Ví dụ mình sẽ lắp dọc theo mái, kích thước tấm pin của mình cụ thể như sau:

  • Ngang 114 cm: Các thanh ray cách nhau cố định 110 cm
  • Dọc 209 cm: Từ dãy ray trên xuống dãy ray dưới trong khoảng 200 cm.

Tức sẽ tiến hành cố định 4 thanh nhôm cho 1 tấm pin, 2 tấm pin liền kề sẽ đặt chung trên 1 ray nhôm và sử dụng vít giữa để kẹp cùng lúc 2 tấm pin.

Với mái ngói hoặc mái tôn có phần khung ở dưới không phù hợp khoảng cách để bắt ray nhôm?

Lắp tấm pin năng lượng mặt trời trên mái ngói như nào

Với mái ngói sẽ có phương án bắt phần khung xuyên qua lớp ngói, xử lý chống thấm phức tạp hơn. Hoặc làm một hệ khung thép bao quanh mái ngói, chi phí hệ khung này chủ yếu là tiền nguyên vật liệu và bắt buộc phải thuê thợ sắt làm chứ bạn không thể tự hàn khung sắt này được.

Hiện nay đã có một loại tấm pin mới mô phỏng kích thước mái ngói, có thể tháo mái ngói cũ ra và thay thẳng tấm pin mặt trời vào. Tuy nhiên loại này mới chỉ demo và chưa bán thương mại. Ở VN mình chưa thấy ai lắp nên chưa biết hiệu quả thế nào, đang khá thắc mắc về hiệu quả chống nóng của loại này.

Đấu nối dây điện trong tủ điện

Xác định sơ đồ mạch điện

NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI ÁP MÁI (ROOFTOP SOLAR)
Nguyên lý đấu nối chung như sau

Đấu nối bên trong tủ điện DC

Tủ điện với bám tải bao gồm:

  • 1 CP AC để đóng ngắt nguồn 220V
  • 2 CP DC ngắt nguồn từ 2 dãy pin mặt trời
  • 1 chống sét, gắn vào điện lưới để ngăn sét lan truyền từ dây điện lưới vào trong nhà cũng như vào thiết bị điện mặt trời
  • Metter bám tải: Gồm dây cấp nguồn, dây nối cảm biến đo dòng, dây nối DC

Đấu nối bám tải trên tủ điện AC (tủ điện gia đình)

Mạch đấu nối của phần tủ điện AC rất đơn giản, bạn chỉ cần xác định đâu là dây nguồn vào từ đồng hồ để đấu 2 dây input từ hộp điện DC song song với dây nguồn đồng hồ.

Để xác định đây nguồn từ đồng hồ điện EVN (điện lưới) bạn tiến hành cúp hết cầu giao diện và lấy bút điện đo để xác định dây nào còn lên đèn là được.

Xác định cặp dây tương ứng để đấu vào inverter

Với các inverter thường sẽ có công suất chịu tải tối đa trên mỗi cặp dây. Tức là bạn không thể cứ thế đấu nối tiếp 12 tấm pin mặt trời vào 1 cặp dây vào inverter, khi hoạt động tối đa công suất chắc chắn gây cháy nổ. Trường hợp của mình sẽ chia ra thành 2 mảng pin đặt 2 hướng khác nhau và đi 4 sợi dây xuống dưới

💡
Do lúc luồn dây từ mái xuống mình quên đánh dấu chính xác cặp nào tương ứng với mảng pin nào mà chỉ phân biệt sợi âm dương bằng màu

Sau khi hỏi bên bán và được hướng dẫn thì mình nhận ra cách xác định rất dễ:

Thực hiện chập 2 sợi âm và dương với nhau, toé lửa thì là một cặp

Không giống như điện lưới (AC), cường độ dòng diện từ tấm pin rất thấp và phải có inverter thì mới khai thác hết được công suất nên khi chập 2 cọng dây lại nó chỉ đánh lửa rất nhẹ và không gây bất cứ hư hỏng nào. Ngay cả khi bạn chập 2 cọng dây lại và giữ nguyên như vậy cả phút thì nó cũng không gây hư hỏng tấm pin mặt trời (đương nhiên nếu bạn để chập cả ngày thì sợi dây có thể bị làm nóng tới đứt).

Các vấn đề phát sinh

Vị trí các ray nhôm không đều nhau

Mình căn theo vị trí bắn ốc của mái tôn để tiến hành bắn khay nhôm vào, tuy nhiên ban đầu tôn đã bị bắn lệch so với giằng khá nhiều nên khi bắt theo sẽ bị xiên xẹo đôi chút. Các bạn lưu ý để xử lý đo đạc từ hàng ray nhôm bên trên xuống dưới sao cho chuẩn để tránh tình trạng lệch "toạ độ" khi lắp đặt nhé.

Điện áp thấp -> Inverter đóng mở liên tục

Sau khi lắp đặt mình quan sát thấy thiết bị Inverter cứ kêu tách tách liên tục, theo dõi biểu đồ thấy rằng nguyên nhân là do khu vực của mình gặp tình trạng điện áp thấp (xuống dưới 175V)

Điện áp thấp xảy ra khi khu vực xung quanh sử dụng điện nhiều, biến tần của EVN không xử lý công suất kịp nên bị sụt áp

Không phải biến tần nào cũng có khả năng xử lý tình trạng điện áp thấp, thường theo khuyến cáo sẽ phải lắp thêm ổn áp Lioa nằm ở giữa điện lưới và CP sử dụng trong gia đình để cân bằng lại hiệu điện thế để các thiết bị hoạt động được.

Chênh lệch so với thuê đơn vị lắp đặt ra sao?

Thông thường ở đại lý cấp 1 họ sẽ không có dịch vụ lắp đặt, bạn có thể thuê bên thứ 3 để triển khai lắp, hoặc thuê thợ sắt họ hỗ trợ bạn làm. Nếu thuê bên chuyên lắp điện mặt trời họ sẽ tính tiền theo gói hoặc theo số lượng tấm pin mặt trời để nhân đơn giá lên. Theo mình biết trọn gói như của mình sẽ khoảng 4tr. Nếu như nhà nào cần thuê cần cẩu để kéo lên thì còn đắt nữa

Tuy nhiên mình tự triển khai hết vẫn thấy khá dễ, do cũng quen với việc tự làm hoặc phụ thợ hàn làm mấy thứ linh tinh trong nhà. Giữa nhà mình cũng gắn cần trục để kéo đồ lên mái nên mình có đủ khả nặng tự triển khai hạng mục này.

Kết lại

Việc tự lắp đặt giúp bạn hiểu rõ các loại chi phí cụ thể trong hệ thống điện mặt trời, bạn cũng giảm được một phần chi phí nhờ việc này. Sau này nếu có hư hỏng thì cũng có thể tự sửa chữa được. Tính an toàn vẫn đảm bảo bình thường thậm chí tốt hơn nếu bạn làm đúng kỹ thuật, vì mình tự làm kiểu gì chả kỹ hơn nhiều.

Bạn đã đăng ký thành công vào Geek Playground
Tuyệt vời! Tiếp theo, hoàn tất thanh toán để có quyền truy cập đầy đủ vào Geek Playground
Chào mừng trở lại! Bạn đã đăng nhập thành công.
Thành công! Tài khoản của bạn đã được kích hoạt đầy đủ, bạn hiện có quyền truy cập vào tất cả nội dung.
Thành công! Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.
Cập nhật thông tin thanh toán không thành công.